Tối 25/7, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra đêm nhạc Đỗ Hòa An với chủ đề “Hạ Long biển nhớ”. Đêm nhạc nhằm tôn vinh những cống hiến của nhạc sĩ Đỗ Hòa An – một trong những tác giả tiêu biểu của Quảng Ninh.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Tiết mục do các em thiếu nhi Cung VHTTN tỉnh Quảng Ninh biểu diễn

Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao Quảng Ninh, Trường Đại học Hạ Long, Hội Văn học Nghệ thuật, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi Quảng Ninh phối hợp tổ chức, bao gồm 16 ca khúc tiêu biểu được lựa chọn trong hàng trăm sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Hòa An được khán giả yêu mến, những bài hát đã góp phần quảng bá giá trị và sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người trên sân khấu

Tiết mục do các em thiếu nhi Cung VHTTN tỉnh Quảng Ninh biểu diễn

Các tiết mục được dàn dựng công phu với ban nhạc đệm trực tiếp, âm thanh ánh sáng nghệ thuật, sân khấu hiện đại mang lại hiệu quả nghệ thuật cao, qua đó quảng bá các giá trị văn hóa – du lịch – con người Quảng Ninh thông qua những giai điệu âm nhạc.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người trên sân khấu, buổi hòa nhạc và trong nhà

Tiết mục do các em thiếu nhi Cung VHTTN tỉnh Quảng Ninh biểu diễn

Chương trình có kết cấu gồm 3 chương: Đảng là mùa xuân người thợ, Chùm ca khúc dành cho thiếu nhi và Quảng Ninh miền đất thân yêu.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Cũng tại đêm nhạc, khán giả yêu nghệ thuật còn được lắng nghe những chia sẻ của các nhạc sĩ, ca sĩ tham gia chương trình để hiểu rõ hơn về những đóng góp của nhạc sĩ Đỗ Hòa An nói riêng và các nhạc sĩ Quảng Ninh nói chung cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h trên kênh QTV3 và livestream trên trang Fanpage QMG – Tin tức Quảng Ninh 24/7 của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp.

Sinh năm 1951 ở miền đất trung du Phú Thọ, nhưng nhạc sĩ Đỗ Hoà An (tên thật là Đỗ Văn Đồng) lại yêu biển đắm say. Không biết có phải vì thế mà năm 1971, sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, ông đã quyết định về Đoàn ca múa nhạc Quảng Ninh công tác. Đến năm 1992, ông tham gia giảng dạy âm nhạc tại Cung Thiếu nhi Quảng Ninh và từ năm 1995 là giảng viên âm nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật và Du lịch Hạ Long. Trong những năm ở Quảng Ninh, Đỗ Hoà An chính là nhạc sĩ đã có nhiều công lao phát hiện, đào tạo những tài năng âm nhạc cho tỉnh, như ca sĩ Ngọc Anh, Hồ Quỳnh Hương, Hoàng Thái, Hoàng Tùng, Tuấn Anh, Hà Hoài Thu… Trong công việc, ông nghiêm túc, trách nhiệm. Trong sáng tác nghệ thuật, ông là người nghệ sĩ giàu cảm xúc. Với tâm hồn tinh tế nhạy bén, say mê, yêu đời, ông đem đến cho người yêu nhạc sự rung động sâu sắc qua từng ca khúc.

Tổng số ca khúc mà ông sáng tác cho đến nay khoảng 500 bài, với nhiều chủ đề khác nhau: Về Tổ quốc, về Đảng, Bác Hồ, về biển đảo, về mái trường, thầy cô và nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi. Chiếm số lượng nhiều hơn cả là những ca khúc viết về quê hương và con người Quảng Ninh. Ông nói, đó là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác của ông. Hơn 40 năm qua, tình yêu của ông với quê hương Quảng Ninh được trải lòng qua từng ca khúc sáng tác, vẻ đẹp của mảnh đất Quảng Ninh, con người Quảng Ninh, của cuộc sống Vùng than, của non nước Hạ Long đã đi vào các ca khúc của ông, được công chúng đón nhận, yêu thích.

Trong ca khúc ông viết, từng địa danh trên mảnh đất Quảng Ninh yêu dấu đều được nhắc đến với niềm tự hào, trân trọng. Những cái tên Trà Cổ, Móng Cái, Bình Liêu, Cẩm Phả, Hạ Long, Bãi Cháy, Vàng Danh, Yên Tử, Cô Tô… được nhạc sĩ ghi lại bằng xúc cảm tha thiết của người nghệ sĩ, bằng những ca từ chắt lọc, sâu lắng. “Lên cao để thấy Yên Tử ngàn năm một coi thiêng, lên cao để thấy, mái chùa cong cong gánh nặng thời gian…” (Cõi thiêng), hay “Trà Cổ ơi, ngàn năm cát không quên vết chân trần, giọng hò ngư dân trôi vào đêm vắng khơi xa” (Hoa xương rồng).

Có những ca khúc, nhạc sĩ Đỗ Hoà An viết trong những hoàn cảnh đặc biệt và để lại dấu ấn khó phai, như ca khúc “Người chiến sĩ đứng gác trên đảo Cô Tô” và “Cô Tô nhớ Bác”… Ca khúc được nhiều người yêu thích, nhiều ca sĩ thể hiện thành công trong các cuộc hội diễn, trở thành bài hát “đi cùng năm tháng” của chiến sĩ Biên phòng Quảng Ninh.

Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, non nước Hạ Long cho ông nguồn cảm hứng sáng tác, tạo nên nhiều tác phẩm sâu lắng. Nói về Quảng Ninh, về Hạ Long, không ai không biết những lời ca quen thuộc trong bài “Hạ Long biển nhớ”: “Đã mấy mùa than anh chưa về với biển, về với Hạ Long gió lộng mây hồng, có phố thợ chênh vênh lưng núi, có dải lụa sương mờ Tuần Châu… Hạ Long mênh mông là thế, để ai mê mải mái chèo. Hạ Long bão giông là thế, để ai ngất ngây thuyền say…”. Ca khúc được mọi người Quảng Ninh yêu thích, đến mức nhiều người gọi đùa là “Hạ Long ca”…

Con người Quảng Ninh, con người Vùng than trong ca khúc của nhạc sĩ, gần gũi, thân quen “Nghe tiếng nói đã biết người vùng than, nhìn hình dáng đã nhận ra ngay người vùng biển. Dù ta đi đâu về đâu làm sao quên được tiếng nói nụ cười quê than”. (Nhịp cầu nối những khoảng cách); là hình ảnh người ngư dân bám biển, là người thiếu nữ Hạ Long, là người thợ vất vả ngày đêm nhưng tâm hồn lãng mạn thi vị  “Chỉ có anh người thợ mới nghe thấy tiếng thì thầm của than, chỉ có anh người thợ tháng năm vui buồn cùng than…” (Tâm sự với tầng than). Là hình ảnh người lính đang vững tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc: “Áo bạc vai để xanh trời xanh cây, vẫn rừng sâu thẳm nơi hải đảo xa xôi. Đồng đội ơi! Những dấu chân nơi địa đầu Tổ quốc… giông tố thác ghềnh là nơi các anh đứng” (Nơi anh đứng).

Nét đẹp của quê hương Quảng Ninh trong tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Hoà An còn là truyền thống cách mạng quật cường của người công nhân Vùng mỏ, là niềm tin với Đảng, với Bác Hồ khi ông viết các ca khúc: Đảng là mùa xuân người thợ; Vùng than nhớ Bác; Bác Hồ sống mãi với thợ mỏ vùng than…

Tình yêu, niềm say mê gắn bó với mảnh đất và con người Quảng Ninh luôn cháy mãi trong ông không bao giờ ngừng. Dù đã nghỉ hưu nhưng sự lao động sáng tạo nghệ thuật vẫn đầy ắp trong ông. Tác phẩm ông mới hoàn thành gần đây nhất là ca khúc về Quảng Ninh “50 năm rạng rỡ một chặng đường” như một tri ân với mảnh đất mà gần suốt cuộc đời ông đã gắn bó. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (1963-2013), Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long, nơi nhạc sĩ công tác, đã tuyển chọn và xuất bản “Tuyển tập ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Hoà An” gồm 108 ca khúc tiêu biểu, trong đó có nhiều ca khúc được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của các bộ, ngành và địa phương, được biên soạn trong chương trình sách giáo khoa phổ thông. Tuyển tập là tình cảm, là món quà thiết thực, ý nghĩa ông gửi đến quê hương Quảng Ninh và những người yêu mến các ca khúc của ông.