Trang chủ Tin chính trị - Xã hội KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890...

KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2024)

          Ngày 19/5 hằng năm là một ngày kỷ niệm trọng đại, thiêng liêng đối với toàn dân tộc Việt Nam cũng như nhiều bạn bè khắp năm châu bốn bể. Đó là Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay còn được gọi với cái tên thân thương “Bác Hồ” – vị Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta.

Bác Hồ sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tận mắt chứng kiến đồng bào chìm trong “đêm trường nô lệ” và các phong trào đấu tranh lần lượt thất bại, với lòng yêu nước nồng nàn cùng nhãn quan chính trị thiên tài, ngày 05/6/1911, lấy tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc (tên hoạt động cách mạng của Bác) xin làm phụ bếp trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời Cảng Nhà Rồng với quyết tâm tìm đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc.

Người quyết định sang Phương Tây – nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản để tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề. Người tích cực tham gia vào phong trào công nhân, phong trào xã hội ở Pháp và các quốc gia phương Tây khác, tích cực tham gia Quốc tế Cộng sản; Người đã tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp và Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhằm cổ vũ, đoàn kết, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

Tháng 12-1920, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh: Tư liệu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành.

Đối với thiếu nhi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trẻ em không chỉ “như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” mà còn là chủ nhân tương lai của đất nước, một lực lượng “tuy tuổi còn nhỏ cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân”. Lòng yêu thương sâu sắc, bao la của Bác Hồ đối với thiếu nhi không gì có thể so sánh được. Người mong muốn và đặc biệt quan tâm, nhắc nhở, khích lệ thiếu nhi học tập, bởi “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đồng thời, dạy chữ phải luôn đi đôi với việc dạy làm người; việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vừa là vấn đề hướng đến ngày mai vì tương lai của dân tộc, vừa là những công việc cần làm tốt ngay từ hôm nay vì hạnh phúc của mỗi gia đình.

Ảnh: TTXVN

Đối với thanh niên, Người nói: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật”. Hồ Chí Minh cho rằng, thanh niên là lớp người trẻ tuổi, có hoài bão, ước mơ, giàu nghị lực và rất khát khao với lý tưởng cao đẹp, có đức xả thân vì nghĩa lớn và lòng vị tha sâu sắc; đó là lứa tuổi có tính nhạy cảm cao với những cái mới, đẹp và tiến bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên nước nhà. Người đã sáng lập, tổ chức và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, dẫn dắt các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Lời căn dặn đó có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đang đặt lên vai thế hệ trẻ những trọng trách lớn lao. Mãi khắc ghi tình cảm, những lời dạy của Bác, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đã và đang ra sức học tập, rèn luyện để trở thành lực lượng chính, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, đúng như những kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên của Đoàn đại biểu Nam Bộ (Tháng 10 năm 1949)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho tỉnh Quảng Ninh khi hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Bác nhiều lần về thăm, nói chuyện, viết báo, viết thư thăm hỏi, biểu dương, khen thưởng, tặng huy hiệu cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu. Trong các chuyến thăm Quảng Ninh, Người luôn quan tâm, dành cho thợ mỏ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh những lời dạy chân tình, sâu sắc. Những lời dạy của Người là nguồn cổ vũ động viên Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vững bước đi lên giành thắng lợi trong những chặng đường lịch sử đã qua, giai đoạn hiện nay và mai sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm mỏ Đèo Nai, chiều ngày 30/3/1959.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chia kẹo cho thiếu nhi Ngọc Vừng trong dịp Người tới thăm đảo, ngày 13/11/1962.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Hải Ninh vui mừng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, ngày 19/2/1960.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại, vì lương tri và phẩm giá con người, vì hòa bình trên thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Chính vì vậy mà không chỉ nhân dân Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân thế giới cũng rất yêu quý Người, dành cho Người những tình cảm trân trọng và tốt đẹp nhất.

Đức Việt

 Nguồn: TTXVN; Báo Quảng Ninh; bqllang.gov.vn/; hochiminh.vn

 

Exit mobile version