Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn, là một nhà chỉ huy quân sự và chính trị gia Việt Nam, và là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới qua mọi thời đại. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những người góp công thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946 -1954) đánh đuổi Thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960 -1975) đánh đuổi quân Mỹ, thống nhất đất nước và Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, người đã chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, gian khổ giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Con người Đại tướng, cuộc đời sự nghiệp của Đại tướng là một tài sản vô giá, trở thành những bài học lớn sẽ còn nguyên giá trị mãi về sau.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò gần gũi, xuất sắc nhất và là người bạn trong chiến đấu, cả trong đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Đại tướng hội tụ đủ “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”, làm bất cứ việc gì, ra một quyết định nào, Đại tướng cũng đặt lợi ích đất nước của dân tộc và lợi ích của nhân dân lên trên. Không chỉ là viên ngọc sáng trong chiến tranh cách mạng, Đại tướng còn là hiện thân của tình yêu, sự khiêm nhường, lòng bao dung cao cả. Chính điều đó đã làm lay động bao con tim cả trong và ngoài nước. Thế hệ trẻ học hỏi được ở Đại tướng là một người tâm huyết, kỷ cương, thanh liêm, bình dị, luôn vượt khó khăn không nản chí.
Cung Văn hóa thiếu nhi Quảng Ninh (nay là Cung VHTTN tỉnh Quảng Ninh) vinh dự được ba lần đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm.
– Lần thứ nhấtkhi đất nước vừa kỷ niệm 39 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với vị Chỉ huy tài ba là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đánh thắng đế quốc thực dân Pháp – đế quốc sừng sỏ nhất thế giới. Trong ký ức của đoàn thanh thiếu nhi đón Bác ngày 27/5/1992, khi Cung vừa mới khánh thành chưa lâu, Đại tướng đã về thăm và trồng cây đa lưu niệm.
-Lần thứ hai, vào ngày 28/7/1999 Đại tướng về thăm Cung VHTN Quảng Ninh. Bác ân cần, vỗ về các cháu nhỏ, bác thăm và trò chuyện với các thầy cô giáo, các em học sinh gần gũi, thân thương.
-Lần thứ ba, đúng ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1998, Đại tướng tuy già hơn, nhưng vẫn khá nhanh nhẹn, tiếng cười nói sang sảng, bác thăm lại Cung và trò chuyện, chụp nhiều bức hình với các thầy cô giáo và học sinh.
Khi Đại tướng mất tháng 10 năm 2013, Cung đã tổ chức dâng hương tưởng niệm bên cây đa Bác trồng, kể chuyện cho thanh thiếu nhi nghe về thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Bác; tổ chức một đêm văn nghệ hát về Đại tướng và các anh hùng liệt sỹ của Việt Nam với chủ đề “Hát về người chiến sĩ”. Bằng sự kính yêu đối với người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 10 năm 2017, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh đã tôn tạo công trình cây đa, và dựng tấm bia kỷ niệm khắc ghi “Cây đa Đại tướng Võ Nguyên Giáp Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trồng lưu niệm ngày 17/5/1992”.
Trong dịp tham gia liên hoan nghệ thuật thiếu nhi tại Hà Nội, đoàn Cung VHTN Quảng Ninh đã đến thăm nhà Đại tướng tại số 30 phố Hoàng Diệu, thắp hương Đại tướng, được con trai cả của Đại tướng tiếp đón, trò chuyện. Khi biết Đại tướng đã ba lần đến thăm Cung VHTTN Quảng Ninh, con trai Đại tướng rất xúc động, mong thời gian tới sẽ có thăm Cung.
Những lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi trên sổ Truyền thống Cung VHTTN Quảng Ninh:
Bồi dưỡng thế hệ trẻ cho đời sau là một nhiệm vụ rất quan trọng, rất cần thiết. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Cung văn hóa thiếu nhi Quảng Ninh khá đẹp, và sau này ngày càng đẹp hơn. Mong rằng tại Cung văn hóa này, các cháu thiếu nhi tỉnh ta, các thế hệ trẻ là người làm chủ tương lai của Tổ quốc, sẽ được giáo dục, chăm sóc, đào tạo về mọi mặt: Đức trí thể mỹ, trở thành những người con ưu tú của mảnh đất anh hùng này, những cháu ngoan của Bác Hồ kính yêu. (Ngày 27/5/1992).
Nhiệt liệt hoan nghênh lãnh đạo thành phố ta đã quan tâm tới thế hệ thiếu nhi, xây dựng Cung văn hóa đẹp hơn trước nhiều. Mong rằng các em thiếu nhi gái trai thành phố ta sẽ làm đúng lời dạy của Bác Hồ kính yêu, con ngoan trò giỏi, cháu ngoan của Bác Hồ. Kính yêu. Gửi lời thăm hỏi ân cần đến ba mẹ các cháu. Gửi các cháu nhiều cái hôn (Hạ Long, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1998).
- Nhớ có lớp năng khiếu về sử.
Một lần nữa chúc các cháu thiếu niên gái trai tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long cố gắng rèn luyện trở thành cháu ngoan của Bác Hồ kính yêu, học thật giỏi, nghe lời ba mẹ và thầy cô, trú trọng bảo vệ môi trường thiên nhiên và xã hội. Làm cho Cung văn hóa thiếu nhi Quảng Ninh trở thành nơi đào tạo ra những nhân tài của đất nước Việt Nam (Hạ Long, ngày 28/7/1999).