Kỷ niệm 152 năm Ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870 – 22/4/2022) là dịp chúng ta thêm một lần nữa nhìn nhận, khẳng định những công lao, cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại; đặc biệt chỉ ra những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

V.I.Lênin (Vladimir Ilyich Lenin) sinh ngày 22 tháng Tư năm 1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk), là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản (quốc tế III); đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga 1917, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Năm 17 tuổi V.I.Lênin tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học được nhận Huy chương vàng nên được vào thẳng bất kỳ trường đại học nào ở nước Nga. Ông xin vào học khoa Luật của Đại học Tổng hợp Cazan. Tại đây, V.I.Lênin tham gia nhóm cách mạng trong sinh viên, trở thành thành viên của Hội đồng hương bí mật Samarsko-Simbirskoe. Do tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên, tháng Chạp 1887, V.I.Lênin bị đuổi học và bị lưu đày đến làng Kokushino Kazan. Tháng 10 năm 1888, trở về Kazan gia nhập nhóm Mácxít, kể từ đây, Lênin đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, và là người đầu tiên hiện thực hóa chủ nghĩa Mác từ lý luận thành thực tiễn qua việc sáng lập Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới, học thuyết tư tưởng của Người có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào cộng sản công nhân quốc tế, trở thành di sản chung toàn nhân loại trong hành trình xây dựng một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

V.I.Lênin – người kế tục, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác

Tháng 02 năm 1848 với sự ra đời của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản – đã đánh dấu sự xuất hiện chủ nghĩa Mác, tác phẩm được xem là “Cẩm nang gối đầu giường” của những người cộng sản, tác phẩm đã chỉ ra đường đi nước bước, cách thức tiến hành cách mạng, phương pháp mục đích cách mạng và các biện pháp xây dựng xã hội tương lai.

Là thanh niên có tư tưởng cấp tiến, Lênin đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng chống lại sự tàn bạo, thối nát của chế độ Nga Sa Hoàng đương thời, Lênin nhận thấy bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác, Lênin đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách trở thành một người mácxít và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự thành công của chủ nghĩa Mác. Trong cuộc đấu tranh đó, chủ nghĩa Mác đã được phát triển một cách toàn diện trên cả ba bộ phận hợp thành từ triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Lênin đã đưa học thuyết Mác trở thành chủ nghĩa Mác – Lênin, ghi nhận đóng  góp đó Hồ Chí Minh khẳng định: “Người kế tục một cách thiên tài sự nghiệp vĩ đại của Mác và Ăngghen trong những điều kiện lịch sử mới là V.I.Lênin”

Lênin – người đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận thành hiện thực

 

Tháng 10/1917 nhân loại đã chứng kiến một sự kiện “vạch thời đại”, đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, khai sinh ra nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại – quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từ đây chủ nghĩa xã hội khoa học đã thành hiện thực xã hội chủ nghĩa. Qua cuộc cách mạng đó, Lênin đã giải đáp thành công những vấn đề mới đặt ra cho giai cấp công nhân khi thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của mình.

Sau thành công của Cách mạng Tháng Mười, 14 nước đế quốc bao vây nước Nga, hòng “bóp chết” chính quyền xã hội chủ nghĩa non trẻ, chủ ngĩa tư bản duy trì nạn áp bức giai cấp cùng nạn áp bức dân tộc, phát động chiến tranh đế quốc, Lênin khẳng định: các dân tộc có quyền tự quyết, quyền bình đẳng trên cơ sở liên hiệp giai cấp công nhân các dân tộc trong tiến trình giải phóng dân tộc là một tất yếu lịch sử. Tư tưởng đó của Lênin đã “mở đầu” cho phong trào giải phóng dân tộc hình thành lên một khuynh hướng mới vô cùng mạnh mẽ, trở thành “một dòng thác” cách mạng tấn công vào thành lũy của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.